Dấu hiệu và biến chứng của răng khôn mọc ngầm trong xương

Răng khôn mọc ngầm (còn gọi là răng số 8, răng hàm lớn thứ ba) có hình dạng chân và thân không giống như thông thường gây khó chịu, ảnh hưởng đến tâm trạng và chất lượng cuộc sống. Càng sớm phát hiện và điều trị, bạn đỡ phải chịu đựng trong thời gian dài. 

Răng khôn mọc ngầm có nên nhổ không

Răng khôn mọc ngầm có nên nhổ không. (Ảnh: Internet)

Vì sao răng khôn mọc ngầm?

Răng khôn thường mọc ở độ tuổi 18-25 tuổi, một số trường hợp mọc sớm hơn (16-17 tuổi) hoặc muộn hơn (sau 30 tuổi) hoặc không bao giờ mọc. Mỗi người thường có 4 cái răng khôn mọc ở 4 góc hàm. Răng này thường mọc theo nhiều hướng khác nhau như mọc thẳng, mọc nghiêng, mọc ngang hoặc ngầm dưới nướu. 
Thực tế, không phải ai cũng may mắn khi răng chỉ mọc thẳng và không gây đau đớn mỗi khi nhú lên. 
Còn lại, một số người phải chịu đựng cơn đau hành hạ khi chúng mọc ngầm bên trong xương hàm hoặc ngay dưới nướu, không tách nướu trồi lên được. Nhiều nha sĩ đã nhận định rằng nguyên do của tình trạng này là vì cung hàm bị thiếu chỗ hoặc sự sai lệch khi răng mọc dẫn đến răng không thể trồi lên khỏi nướu. 
Có nhiều loại răng khôn mọc ngầm, phải kể đến như sau: răng khôn mọc nghiêng, ngả về phía răng số 7, răng mọc vuông góc với các răng khác, hay mắc kẹt trong xương hàm. 
Dù mọc kiểu nào thì cũng đều gây cảm giác đau đớn, khó chịu và nhiều tai biến cho “khổ chủ”. Nhiều người còn sốt cao, đau họng hay gặp các bệnh lý răng miệng khác. 

Dấu hiệu của răng khôn mọc ngầm

Răng khôn mọc ngầm thường gây nên cơn đau nhức khó chịu, dẫu không nhai nuốt gì. Một số dấu hiệu điển hình của răng khôn mọc ngầm: 

  • Sưng đỏ nướu

  • Chảy máu lợi

  • Đau, sưng quanh hàm

  • Hôi miệng hoặc có mùi lạ trong miệng

  • Khó mở miệng

Nếu nhận thấy những dấu hiệu trên, bạn hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế nha khoa để kiểm tra. Bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang, xem thử có phải răng khôn mọc ngầm hay không?
Đa số răng khôn mọc ngầm thường được bác sĩ khuyên nhổ bỏ. Bởi nếu để lâu, răng sẽ gặp những biến chứng nguy hiểm khác. 

Biến chứng nguy hiểm khi răng khôn mọc ngầm

Nếu không phát hiện kịp thời, răng khôn mọc ngầm có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như: 
Gây viêm chân răng
Răng khôn mọc ngầm có thể gây sưng vùng nướu xung quanh răng. Nếu không được vệ sinh kỹ càng, vết sưng sẽ lây lan rộng đến những khu vực khác. Phần nướu xung quanh răng sẽ bị đỏ, sưng tấy ở vùng má, miệng. Thậm chí không thể há miệng được, ảnh hưởng đến việc ăn uống, sinh hoạt thông thường. 
Hôi miệng
Khi răng khôn mọc ngầm, tình trạng đau nhức xuất hiện nhiều. Việc vệ sinh răng miệng càng hạn chế, vi khuẩn sinh sôi phát triển, tạo hơi thở có mùi. 
Xô lệch răng
Răng khôn mọc, lại không đủ chỗ để trồi lên, nó bắt đầu xâm lấn các răng lân cận. Đôi khi, răng khôn này đâm thẳng vào thân và chân răng bên cạnh khiến nó lung lay hoặc mất răng. 

Răng khôn mọc ngầm gây xô lệch răng

Răng khôn mọc ngầm gây xô lệch răng. (Ảnh: Internet).

Sâu răng
Răng khôn mọc lệch gây viêm nướu, hôi miệng, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi cho sâu răng, đặc biệt là các hàm lân cận. 
Răng khôn mọc ngầm có nên nhổ không?
Răng khôn mọc ngầm gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Tùy thuộc vào biến chứng, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên có nên nhổ răng khôn mọc ngầm hay không. Một số trường hợp không nên nhổ răng khôn nếu bạn đang mắc các bệnh lý như: tim mạch, đái tháo đường và rối loạn cầm đông máu. 
Đa số mọi người thường lựa chọn nhổ răng để giảm bớt tình trạng khó chịu. Sau vài ngày nhổ răng, bạn có thể sinh hoạt bình thường lại. Quá trình lành vết thương thường mất 6 tuần, tùy vào cơ địa một số người. Trong quá trình này, bạn cần chăm sóc và thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý. 
Vừa rồi là những kiến thức liên quan đến tình trạng răng khôn mọc ngầm. Hy vọng rằng bài viết này hữu ích với bạn.